Từ nhỏ đến giờ yu chan ko lúc nào ko cầm trên tay 1 cuốn tiểu thuyết. Mặc dù thể loại tiểu thuyết của mình đều thuộc dạng quằn quại của Man Booker nhưng vẫn chỉ gói gọn trong khuôn khổ tiểu thuyết mà thôi. Rồi cách đây ba năm mình đã đọc một tiểu thuyết có thể gọi là bước đệm quan trọng cho con đường tìm hiểu triết học là “Mật mã Tây Tạng” – một bộ sách rất dài gồm 10 quyển bao gồm rất nhiều mảng kiến thức chuyên sâu khoa học, thiên văn học, địa lý, lịch sử, v.v. Mình thích quyển này tới mức muốn đa dạng hóa sách sẽ đọc ra khỏi lối mòn của tiểu thuyết. Tình cờ (hay định mệnh) thế nào đó mà cục cưng Gà Tồ bị điên của mình quăng cho mình quyển sách đầu tiên về triết học: “Friedrich Nietzsche: Triết nhân và Thi nhân”, một cuốn sách về tiểu sử và con đường của một nhà triết học Đức. Lúc mình đọc quyển ấy mình cũng chẳng biết lấy nửa chữ cắn đôi cái gì gọi là triết học, chỉ là bạn đưa thì mình đọc thử, nhưng nào có ngờ đâu đã bị hiện sinh vô thần đánh lưới tình, một mẻ tóm gọn ! đúng cái cảm giác của cậu Gà bảo “đọc quyển này lên đỉnh chết mẹ”. đọc xong lồng lộn, chân nam đá chân chiêu lên mạng search mấy tác phẩm khác của Nietzsche và đọc một số trang đầu của quyển “Zarathustra đã nói như thế” (Thus spoke Zarathustra), chỉ vài trang đầu là ôi thôi ai tai, tính mệnh bị định đoạt.
Zarathustra đã nói như thế là quyển sách hay nhất mình từng đọc trong đời. Quyển sách dày lắm cũng phải cỡ Suối Nguồn (đọc mấy trang online thì mua luôn sách nằm ôm đọc cho tê). Quá trình đọc nó rất sung sướng, rất mê đắm, như thể là một cuộc đi dạo tung tẩy với một người hiểu mình đến từng chân tơ kẽ tóc. Zarathustra loạn lắm, điên lắm, sống đến từng phút giây, một kẻ hiện sinh vô thần bất chấp thế giới, nâng tầm của con người lên thành siêu nhân bằng cái gọi là “ý chí hùng lực”. Khi đọc quyển ấy mình đã phiêu đến mức thấm nhuần cái câu: không có tốt nhất – chỉ có tốt hơn, rồi chửi thầm cái thằng Gà éo hiểu 27 năm tau sống sao mày không xuất hiện sớm hơn. Ngày nào cũng ôm đọc đã đời như thế tới nửa cuốn thì đâm đầu vào tường. Bước ngoặt của Zarathustra khi đến hố thẳm là một bước ngoặt mà mình không thể hiểu được nữa, dù cho cứ cố gắng đọc đi đọc lại. Nó đụng đến một số vấn đề tư tưởng sâu sắc mà đến lúc đó mình đã thật sự nhận ra là không phải mình đọc không hiểu câu chữ mà bởi vì tầm vóc tư tưởng của mình quá giới hạn, mình không có một chút hiểu biết nào về triết học để có thể hiểu được con đường tiếp theo của Zarathustra. Cảm giác đó buồn và bức như thể dành mọi tâm sức để thổ lộ tình cảm với một người mình yêu thương mà rút cuộc lại bị từ chối. Nhưng mà vạn sự khởi đầu nan, nhất quyết không hàng.
Sau khi lọc lại danh sách những quyển sắp tới, mình bắt đầu đọc một số thể loại mà trước đây mình không để vào mắt, bắt đầu bằng hai quyển “Trại súc vật” và 1984 của George Orwell. “Trại súc vật” thì rất dễ đọc, là một quyển ngụ ngôn về chính trị. Nhưng 1984 lại ở một level khác, level gây chấn động tâm can (ko nói quá nhé). Sau hai quyển này mình đọc đến “đường xưa mây trắng” của Thích Nhất Hạnh, một quyển rất quan trọng về hạnh phúc. Tiếp nữa là “Người xa lạ” của Albert Camus,một quyển về hiện sinh vô thần đọc cái cảm được liền, về sau mới biết nó cực nổi tiếng, cảm giác cứ như ăn cơm trước kẻng. Tất cả những quyển trên tuy đề cập những vấn đề chính trị tôn giáo triết học nhưng về bản chất đó vẫn là tiểu thuyết. Rồi mình gạ gẫm Sigmund Freud để hiểu sơ lược về phân tâm học, tiềm thức và diễn giải giấc mơ. Tiếp nữa mình kết hôn với J.P.Sartre cũng là một nhà hiện sinh vô thần người Pháp sống cùng thời với Nietzsche, bắt đầu bằng quyển tóm lược tư tưởng “Sartre và văn học” sau đó nghiên cứu đến những trước tác của ông như “Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân bản” đây là một quyển thuần về triết học, hay cực. Sau khi đọc hết quyển sách này mình đã cố gắng tìm một tác phẩm khác của Sartre nhưng không tìm được, rồi mình kiếm một tư tưởng gia khác của phương đông là Lão tử và đọc “đạo đức kinh” được một nửa. đạo đức kinh là một quyển sách mỏng nhưng tốn nhiều thời gian nên trong khi đọc “đạo đức kinh” mình đã đọc song song quyển “Buồn nôn” cũng của Sartre (La Nausee) bằng tiếng Anh được 1/3. Bản tiếng Anh này là một bản dịch rất đẹp về từ ngữ, mình bị cuốn vào con đường và suy nghĩ của Roquentin tới mức mình yêu mến đến từng cảm giác, từng nhận thức của Roquentin. Nếu như Zarathustra vừa điên vừa tửng thì Roquentin hiện sinh rất cô đơn lặng lẽ, giống như một hòn đá nằm mãi không suy suyển. Nhưng nếu chỉ đọc La Nausee thì rất dễ hiểu nhầm và bỏ cuộc tư tưởng của Sartre, phải đọc hết, đọc tất cả những gì có thể tìm thấy.
Rồi dần dần, trên con đường research chênh chao mình bắt đầu có những cảm thức đầu tiên về một sợi chỉ đỏ xuyên thế giới, đó là khi mình nhận ra bất luận là phương Tây, ấn độ hay Trung Hoa, bất luận là khoa học, tôn giáo hay triết học, bất luận là nhất như hay nhị nguyên, Socrates hay Lão Tử hay Thích Ca Mâu Ni, diễn dịch cách này hay cách khác, thế giới này chỉ có một chân lý, đều dẫn đến Sự thật.
Bẵng đi chắc phải 2 năm bầu bí con cái, gián đoạn quá trình research, chỉ có thể đọc mấy thứ tiểu thuyết vớ cmn vẩn, tưởng là phải bỏ rơi triết học luôn nào ngờ không. Ôi định mệnh. Cách đây nửa năm bị Franz Kafka (được cho là gây ảnh hưởng lên cả Sartre và Camus) rất vô tình túm gáy bằng quyển “Hóa thân (Metamorphosis)”, xong rồi bị cuồng liền chìm vào “Vụ án”, rồi tới “Lâu đài” và một số truyện ngắn khác. Kafka là nhà văn chứ không phải triết gia thế mà giở tiểu thuyết ra bỗng sực mùi hiện sinh giống như bổ quả sầu riêng. Lại ô hô ai tai đi đọc phần còn lại của “Buồn nôn”.
Sau khi đọc hết “Buồn nôn” mình có một cảm giác rất mờ mịt về hệ thống. Dù đọc rất nhiều nhưng cảm giác vẫn rất rải rác không liên kết được, nên mình lên mạng tìm hiểu về lịch sử của triết học nhưng lại không tìm được bất kì tư liệu nào có những kiến thức mình muốn hệ thống. Sau đó nhờ một cơ duyên mình đã mua được từ một hiệu sách trên mạng các quyển tổng hợp về triết học và mình đã đọc hết quyển “Lịch sử triết học phương Tây” từ Heraclite đến Immanuel Kant, sau đó để bổ sung cho những gì còn thiếu của quyển này mình đã đọc đến quyển “101 triết gia phương Tây” và quyển “Những tư tưởng gia Phương Đông”, nhưng hai quyển này là loại sách viết theo kiểu từ điển, mình chỉ đọc những triết gia nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất gồm Heraclite Democrite Zenon Socrates Plato Aristotle Augustine Kant Kierkegaard Schopenhauer Descartes Nietzsche Sartre Thích Ca Mâu Ni Gandhi Khổng Tử Mặc Tử Lão Tử Trang Tử Mạnh Tử Tuân Tử Hàn Phi Tử, chỉ có vài người kể trên là mình đọc, đương nhiên là gồm tất cả các thứ đối tượng của triết học từ tự nhiên đến con người qua các thời kì chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản đến xã hôi chủ nghĩa, vô thần và hữu thần, duy vật và duy tâm, bản thể luận, nhận thức luận, đạo giải thoát, bất bạo động, trung dung, nhân nghĩa, đạo đức kinh, nam hoa kinh, vân vân và mây mây. Rồi cái sợi chỉ mà mình đã nói ở trên nó không còn là sợi chỉ nữa.
Chiều nay trên con đường tóm lược Trang Tử mình đọc đến đoạn kinh điển Trang Châu hóa bướm, tích mà ai ai cũng từng đọc qua không chỉ một lần, vậy mà lần này nhòe hết nước mắt…
Nếu chị đọc Triết chỉ để cho vui, vậy thì chẳng sao cả. Nhưng nếu chị đọc triết vì đam mê, vì muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn, vì muốn luyện đầu óc tinh nhuệ và tinh tế của mình, thì chị đã đọc sai cách. Đáng nhẽ ra chị phải đọc của Friedrich trước rồi mới đọc sách nói về Friedrich. Xin phép trích lại một đoạn của “Tôi tự học”:
“Có kẻ tưởng cần kiếm sách nghiên cứu về Lão tử, Trang tử hay Vương Dương Minh để dễ thấy đại lược tư tưởng của các ông ấy hơn là phải đọc ngay các ông ấy, khó khăn hơn. Tính như thế thật sai lầm. Đọc sách nghiên cứu trước khi đọc một tác giả nào, có cái lợi là khỏi cần mất nhiều thời giờ để hiểu tác giả ấy trong khi đã có người làm trước cho ta công việc đó. Nhưng ta sẽ bị cái hại nầy là ta chỉ hiểu biết tác giả qua sự hiểu biết và nhận xét của nhà nghiên cứu thôi, chứ khó lòng biết được cái chân diện mục của tác giả. Muốn biết Lão tử mà đọc cuốn Lão tử của Ngô Tất Tố thì ta chỉ biết được Lão tử theo Ngô Tất Tố chứ chắc chắn không làm gì hiểu được Lão tử. (…) Sở dĩ tôi đã nói trước khi đọc ngay chánh văn của Lão tử, đừng vội đọc sách nghiên cứu về Lão tử, là tôi muốn cho các bạn đối với Lão tử (hay bất cứ đối với một tư tưởng gia nào) đừng bị một thiên kiến nào trước cả, nó sẽ làm tê liệt óc phê phán của ta. (…) Dù sự phán đoán, phê bình của ta không được xuất sắc bằng nhiều nhà nghiên cứu khác, nhưng nó là của ta…nó là của trình độ hiểu biết hiện tại của ta…Sau nầy, ta sẽ đọc lại các sách nghiên cứu khác để so sánh và chữa lại hoặc bổ túc thêm những phán đoán sai lầm hay thiếu sót của ta, thì công phu tự học thụ dụng không biết chừng nào. (…)Đừng bao giờ tìm hiểu biết một người bằng lời giới thiệu của một kẻ thứ ba. Sự ưa ghét, bao giờ cũng thiên lệch. Ưa thì nói tốt, ghét thì nói xấu…đều là những phê bình chủ quan cả.”
Về việc đọc chính văn trước khi đọc tóm lược tác giả chị đồng ý. Chỉ là chị ko có ý định nghiên cứu, nói như em là đọc vì sở thích thi cũng đúng. Vả lại sách thể loại này ko nhiều, chị đụng đâu đọc đấy haha. Nhưng cũng có phần may mắn là đọc như thế nhưng chưa bao giờ bị ngộ nhận giữa chính văn và tóm lược tác giả cả :)) em đọc quyển nào trong bài chị viết chưa thì chia sẻ với :D